Subscribe:

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2012

Vâng, rau má thì đã làm sao? - Tâm sự cảm động

Rau má thì đã làm sao
hình ảnh rau má đẹp, top9xy.wap.sh
Xem ảnh
Quê hương, với mỗi người, cái định nghĩa về chốn thiêng liêng ấy ắt hẳn sẽ có những điểm khác biệt.Nhưng chắc chắn, sẽ vẫn có sự gặp gỡ ở một khía cạnh khác của miền cảm xúc,sẽ vẫn có “ngọt ngào”, “thương mến”,…trong ấy,chảy tràn theo từng câu chữ,thả trôi theo dòng hồi ức dịu dàng hay mãnh liệt , và có thể là hơn thế!



          Tôi đã được đọc,được học về những bài thơ nói về quê hương với muôn vàn hình ảnh,ngôn từ lung linh,trừu tượng và tuyệt vời…Với một ai đó,quê hương “là chùm khế ngọt”,là “con diều biếc”,là “cầu tre nhỏ”,vân vân và vân vân…Ừ thì quê hương trong trí nhớ,trong kí ức họ là thế,họ có quyền viết thế. Khi đọc những dòng ấy,tôi cũng xúc động, mường tượng và nhớ về quê hương mình,chỉ có điều vẫn là câu chữ ấy,tôi lại được nắm tay dắt về môt miền khác trong kí ức  quê hương,bằng những cảm xúc trong veo,nguyên vẹn và cũng rất ngọt ngào,bởi những thứ khác,những điều khác nữa.Và, cũng bởi quê tôi chả có khế ngọt (toàn khế chua thôi,tôi nói nôm na theo nghĩa đen là thế,vì sự thật đúng là thế!),cũng chả có cầu tre nào cả…Nhưng những gì mà tôi đọc được ấy như một mồi dẫn làm bùng cháy những kí ức một thời tuổi thơ của mình,cuốn tôi vào dòng cảm xúc trong veo , vui vẻ: nơi ấy,khi tôi còn là một đứa trẻ ham chơi và thích quà bánh…Quê tôi,vùng đất mà người ta vẫn nhắc đến là lại buột miệng“dân rau má”-vầng,quê tôi Thanh Hóa…

    Tôi sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nhỏ thuộc huyện miền núi Cẩm Thủy,Thanh Hóa,nơi có con sông Mã chảy qua,lắm khi hiền hòa ,lúc cũng dữ dội (top9xy.wap.sh)…Tuy chỉ sống ở đấy 7 năm,nhưng bao nhiêu đó thôi có thể tạm gọi là đủ để một đứa trẻ giờ đây,sau 13 năm trời có thể ngồi mà liệt kê lại những kỉ niệm thân thương còn lắng đọng lại trong trí nhớ của nó,ngọt ngào và dễ dàng như vị ngọt của quà bánh mà nó từng được nhận…

     Nhắc về quê hương,thứ đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là con đường làng phơi đầy rơm rạ vào mùa gặt,màu vàng óng lên giữa cái nắng chói chang và hanh hao những trưa hè tháng sáu;là cái sân gạch rộng nỏ nắng trải đầy thóc mới…Và rồi bà nội tôi,đội cái nón lá hằn lên màu mưa nắng loang lỗ,cái áo đông xuân ướt đẫm mồ hôi,bàn chân với những chiếc móng “ốc quắn”(bà vẫn bảo thế) chụm lại rẽ sóng thóc vàng ươm,bà đang cặm cụi“đi lúa”…Vầng,là bà của tôi đấy!

     Ngoài việc nó đơn thuần chỉ là một vùng đất mà người ta được sinh ra,quê hương thiêng liêng  hơn,đẹp đẽ hơn là nhờ những con người hiện lên trong tâm trí ta cùng với mảnh đất ấy…Với tôi,nếu nơi ấy không là bà nội,không là bố mẹ,không là những người thân yêu thì có lẽ,nói sao nhỉ…quê hương sẽ chẳng thể gọi là quê hương được đâu!…Tôi yêu quê tôi vì tôi yêu họ,tất nhiên họ còn yêu tôi nhiều hơn!…

     Những ngày hè,bà tôi vẫn thường nấu chè đỗ đen cho chúng tôi uống,để khi bố mẹ tôi đi làm đồng về có cái giải khát sau cái nắng “hoa lửa”cháy da cháy thịt…Hè năm nào,bà cũng ngâm cả một lọ quả mơ to tướng để cả nhà uống suốt mùa…Bà vẫn khéo léo và chu đáo thế,cũng bởi tuổi thơ mồ côi ,cơ cực,vừa mang tiếng làm con nuôi nhưng cũng làm luôn công việc của kẻ ăn người ở cho nhà địa chủ nên việc gì bà cũng gọn gàng và đảm đương được…

     Tôi vẫn nhớ như in và bật cười khi nghe bà đánh vần những chữ cái mà bà từng được dạy trong các lớp bình dân học vụ ban đêm hồi chiến tranh,nghe bà đọc tôi chỉ biết bụm miệng cười và cười … Rồi thế là,những trưa hè không ngủ,cả nhà đi vắng,thằng cu em ngủ ngoan trên võng,tôi lại cùng bà tập viết trên thềm hè (khi là phấn,lúc là gạch),tiện thể trông nhà và đuổi gà hay lũ chim chích sà xuống sân ăn lúa…Tôi vẫn đọc “C” là cờ,bà bảo”xê”, “đ”tôi đọc “đờ”,bà nói “đê”, "h”tôi cãi "hờ”,bà một mực “hát”…Cứ thế,hai bà cháu hì hụi hết buổi trưa,tôi còn dạy bà vẽ cái cây nữa cơ đấy…Tuy vậy,bà vẫn nhường tôi phần thắng,bà bảo ngày xưa bà không được học, “bây chừ bọn mi sung sướng hơn choa ngày trước nên phải cố mà học nhá con,có học mới mong thoát li được!”.Bà còn bảo lúc trước khi đi chợ mà không đánh vần được vài ba chữ người ta treo ở cổng chợ là không cho vào,nên ai cũng muốn đi học,bà cũng thích học lắm nhưng vì lúc đó nghèo khổ,phải lo làm “trật mặt ra”,nếu không thế chắc bà cũng…học giỏi lắm?!?(tôi hay cười khi nghe bà tâm sự thế)!

      Mùa đông,hai bà cháu hay dậy sớm nấu cám lợn,bà nấu,còn tôi ngồi co ro sưởi lửa,vừa sưởi vừa lấy cái que sắt kều tan vùi mấy củ khoai lang,mùi khoai thơm phức lẫn với mùi tro bếp,mùi rơm rạ cháy,mùi củi mục và hòa lẫn với mùi…cám lợn đang sôi sùng sục trên bếp…Tôi chả nhớ là nó có thơm không nữa,nhưng rất đặc biệt…đến nỗi rất rất lâu tôi chả kiếm đâu ra nỗi cái mùi tương tự như thế…Nhớ lắm những ngày đông buốt lạnh sương muối,nhớ lắm bà và bếp lửa…nhớ luôn cả  khoai lang nướng nữa…

      Những ngày chợ phiên,bà hay dẫn tôi đi chợ,chả mua gì mấy ngoài việc cho tôi đi xem ,dòm ngó,và …ăn quà…nào là bánh khô(bánh tráng),bánh chưng,chè cháo…Bà không ăn,chỉ mỗi tôi đánh chén,rối hai bà cháu lại lúc túc dắt nhau về,xách lủng lẳng con cá hay chút thịt thà,không quên mua luôn cho tôi nải chuối hay vài đốt mía… Trưa,nắng ,bóng tôi và bóng bà đổ liêu xiêu trên đường làng quanh co đầy rơm rạ,thỉnh thoảng chen bóng những tán xà cừ bên trạm xá.Xa xa,những rặng tre bên bờ ao đầu xóm uốn câu đu đưa theo gió…Vẫn nắng,vẫn nóng,bà nắm tay tôi,tôi nhìn bà và hỏi những câu huyên thuyên,vớ vẩn … Lắm lúc bà trêu"Bố mi,hỏi chi mà lắm rứa răng tau trả lời được,nói không để cái mồm kịp ra da non!” rồi bà cười,hàm răng đen nhánh…

     Cái gì chứ bất cứ điều gì về bà là tôi nhớ rõ lắm,vì bà chiều tôi nhất,và ở với bà,lúc nào tôi cũng có quà…tôi nhớ như in cái ngày mà chôm chôm ở miền Nam được đem về tận quê tôi bán,cũng dễ đến 15 năm rồi!Hôm ấy bà đi chợ về muộn lắm,tôi ở nhà trông em,coi nhà và đuổi gà…Bà về,mồ hôi ướt đẫm,vẻ mặt rạng rỡ nắm cái gì đó ở túi áo cánh…Vừa thấy tôi bà đã gọi,tôi biết thế nào bà chả có quà cho tôi,bà lấy trong túi ra cái đùm bọc bằng khăn mùi soa rất cẩn thận,bên trong có 2 quả gì đo đỏ,xù xì…bà bảo quả “chôm chôm”.Vậy là,bà đã để dành 1 nghìn mua được từng ấy quà cho tôi(khi ấy người ta còn dùng 1 trăm đồng),tôi sung sướng nhảy cẫng lên vì thức quà lạ,thứ quả lần đầu tiên được ăn…Bà nhìn âu yêm khi thấy tôi nâng niu chúng,ăn dè từng tí như sợ nó đau,mút cho kì sạch cả cái hột…Vậy đấy,bà chiều tôi lắm!

     Quê hương tôi,cũng có con diều,nhưng là diều làm bằng que tre và túi bóng do bọn trẻ tự làm,mà cũng ít khi bay cao lắm nếu không muốn nói là chưa kịp thả thì đã bay lộn nhào xuống ao…Là những đêm trăng sáng cả đám con nít rủ nhau chơi rồng rắn lên mây,chơi trốn tìm…Là những ngày giáp tết cả làng sực mùi đốt nhấm hơ lá chuối sau đó phơi khô chờ tết gói giò thủ,làm bánh gai,bánh mật…Là những ngày mùa bà ngồi bện chổi bằng rơm thóc nếp vàng óng,chắc mẩm…Là ngày mưa sụt sùi bà lại đổ bánh khoái,nấu bánh đúc nước vôi…Là những đêm oi nồng tôi ngủ gác chân lên bụng bà bên cái giường cạnh cửa sổ,nghe dế,côn trùng kêu ran ran,thỉnh thoảng bà lại phe phẩy cái quạt mo cau phành phạch…Và,những ngày bà làm bánh lá bảo tôi mang đi chia cả xóm mỗi nhà vài cái ăn lấy thảo…Còn là cả những khi bà ủ cơm rượu nếp than,nấu bánh trôi…Vẫn còn nhiều nhiều nữa,thì tại tôi đã nói rồi mà,quê hương khi ấy với tôi là những điều "ngọt ngào" lắm,đúng theo nghĩa đen và nghĩa bóng nhá!

    Xa quê rất lâu rồi,gia đình tôi vào Sài Gòn,bà thì ở Hà Nội với bác tôi.Thỉnh thoảng có dịp,chúng tôi ra thăm bà rồi ghé qua quê thắp hương cho tổ tiên,thăm mồ mả…Mỗi lần về quê,những hình ảnh thân thương ấy lại hiện về trong tâm trí tôi như những cơn gió nhẹ dịu dàng,xen lẫn hương lúa non ,hương bánh trái và bất chợt…cái mùi hương kì lạ của khoai lang nướng hòa với mùi…cám lợn ấy tự dưng khiến tôi có cảm giác sống mũi mình…cay cay…Mỗi lần nghe giọng bà vang vang trong điện thoại dặn dò đủ thứ tôi và bố mẹ cũng mừng mừng…bà còn khỏe và tỉnh táo lắm!

    Quê hương khi tôi ở đấy,khi tôi bé chỉ toàn là ngọt ngào thôi…Thế nhưng khi tôi đi xa,khi tôi tiếp xúc nhiều,hiểu nhiều thì dường như,chen lẫn trong sự ngọt ngào bé bỏng ấy lại có những thứ khác nữa…Là bụi chăng,thứ bụi mà cuộc sống vẫn cho người ta ấy,dù muốn hay không,thứ bụi mà chả cần va vấp hay làm gì thì nó cũng cứ theo gió của dòng đời,dòng người mà bay tứ tung, phả vào mắt để rồi bất giác khiến mắt ta có cảm giác nhòe đi,bỏng rát…và chạnh lòng thương, cả.. ghét nữa!

     Tôi chả hiểu sao có những người lại ghét quê tôi đến thế,đặt ra những nghi kị và áp đặt đến thế …Họ sống được bao lâu,hiểu được bao nhiêu,đi xa tận đến chân trời nào rồi hay đơn giản là “đầu làng là cái lá,giữa làng là hòn đá,đến cuối làng bỗng biến thành…con cá”?Tôi chả lên án hay chỉ trích ai cả,vì dù sao trong tôi,vùng đất thân thương ấy vẫn là điều tuyệt vời,với những con người tuyệt vời…Người ta vẫn bảo "Dân Thanh Hóa ăn rau má,phá đường tàu",mỗi lần nghe vậy tôi lại dấy lên chút chạnh lòng xen lẫn mặc cảm vẩn vơ...Nói đến quê hương,ai mà chả dễ động lòng...Ừ,quê tôi “rau má” thì sao,rau má cũng tốt,cũng ngon,cũng…có lợi cho sức khỏe đấy thôi?!Họ sẽ hiểu đúng hơn nếu được nằm lim dim mà nghe bà kể về truyền thống anh hùng của một vùng đất nghèo thời chống Pháp,lấy cái cớ tìm rau má để phá đường tàu không cho giặc vận chuyển vũ khí,giúp đỡ cho Cách mạng…Và chính bà cũng đã từng gồng gánh lương thực cho bộ đội xuống tận cầu Hàm Rồng, cùng với những người dân công hỏa tuyến quê mình.Họ thống kê được đầy đủ không những vụ trộm cắp và thủ phạm gây ra…hay chỉ là chụp mũ,quy kết càn xiên…?!Ừ thì tiếng quê,họ cười một cô bé chỉ vì cô ấy đọc đặc sệt tiếng quê mình,cô bé ấy chẳng biết gì ngoài việc nhìn họ ngơ ngác…Tôi nhìn cô bé mà cũng thấy thương thương…Ừ, thì ve chai,họ đi mua ve chai kiếm đồng tiền mưu sinh chính đáng chứ trộm cắp của ai,thiếu gì thứ dễ kiếm tiền hơn mà những chị phụ nữ vùng quê rau má trông cũng duyên dáng ấy lại kì cạch chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi dọc ngang những con đường đông đúc nơi Sài Gòn…Tuy vậy,vẫn có rất rất nhiều người đồng cảm và yêu thương vùng quê ấy,những con người lam lũ ấy…Tôi vẫn biết thế mà!

      Cảm ơn vì tôi đã được sinh ra và có 1 phần tuổi thơ đẹp đẽ ở vùng quê như vậy,để biết yêu thêm cuộc sống mà mình đang có,làm giàu thêm những kỉ niệm đầy ắp trong tâm trí mình… Cháu cảm ơn bà vì bà đã dạy cháu nhiều điều từ chính cuộc đời của bà,từ cái sự chân chất, mộc mạc và chứa chan tình yêu,từ những câu chuyện bà kể, …để cháu thêm tự hào về nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình,và để cháu không phải ngại ngần nếu có ai đó châm chọc nơi thân thương ấy, mà có thể tự hào nói: “Vầng,Thanh Hóa quê tôi đấy!…VẦNG,RAU MÁ THÌ ĐÃ SAO?!”
Tác giả: 

Truyện ngắn khác:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét